“Nỗi đau” của ngành cà phê: 9 phần hương liệu, 1 phần cà phê
“Nỗi đau” của ngành cà phê: 9 phần hương liệu, 1 phần cà phê
Cà phê có thể coi là mặt hàng bị làm giả nhiều nhất từ trước đến nay. Cà phê trộn hương liệu, cà phê chế biến từ hóa chất và các chất phụ gia đã làm sai lệch thị trường, khiến doanh nghiệp khốn khổ.
Đó là lời phát biểu “gan ruột” của ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh tại buổi tọa đàm "Triệt tận gốc hàng giả, hàng kém chất lượng: Bảo vệ người dân và doanh nghiệp", do Báo Thanh Niên tổ chức mới đây.
Ông Thông nhấn mạnh, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và những quy định, hành động đang được triển khai như quyết liệt chống hàng giả, hàng kém chất lượng khiến doanh nghiệp vui mừng, bởi tình trạng này đã diễn ra quá lâu, trên hầu hết các mặt hàng tiêu dùng. Hiện Phúc Sinh đã xuất khẩu cà phê đến hơn 100 thị trường. Tuy nhiên nhiều lúc khách hàng thắc mắc, khiến ông rất khó xử.
“Họ nói rằng Việt Nam xuất khẩu cà phê khắp nơi thế giới, nhưng ngay tại Việt Nam không có cà phê để uống. Chỉ là một câu nói đùa nhưng sau khi nghe nhiều lần thì tôi quyết định quay về thị trường nội địa sản xuất cà phê, phục vụ thị trường trong nước", ông Thông chia sẻ.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh phát biểu tại tọa đàm "Triệt tận gốc hàng giả, hàng kém chất lượng: Bảo vệ người dân và doanh nghiệp". Ảnh: Độc Lập
Dù vẫn xuất khẩu đến 98% và chỉ dành 2% cho thị trường nội địa nhưng ông Thông thừa nhận Phúc Sinh gặp vô vàn thách thức khi làm ra sản phẩm cà phê nguyên chất, song chinh phục thị trường vô cùng vất vả. Nguyên nhân là do cái lưỡi của mọi người đã quá quen với uống cà phê trộn hương liệu, hoá chất, hoặc quen với việc cà phê phải sánh nhờ trộn thêm đậu nành, bắp rang cháy…
Người ta uống cà phê trộn hương liệu và hóa chất đã nhiều năm nên lầm tưởng rằng, cà phê “xịn” phải sánh đặc, có màu đen; trong khi cà phê sạch, nguyên chất có màu cánh gián, vị hậu ngọt, thơm nhẹ thì lại bị chê là loãng, nhạt…
Theo ông Thông, cà phê có thể coi là mặt hàng bị làm giả nhiều nhất từ trước đến nay. Cà phê trộn hương liệu, cà phê chế biến từ hóa chất và các chất phụ gia đã làm sai lệch thị trường. Giá cà phê rang xay tại nhà máy khoảng 235.000 đồng/kg, nhưng trên thị trường vẫn đầy sản phẩm chỉ bán 130.000 - 150.000 đồng/kg.
“Bây giờ ngày nào chúng ta cũng có những bài báo nói rằng “9 phần hoá chất, 1 phần cà phê”, thậm chí đó chỉ là vỏ cà phê. Nếu mọi người có tham quan, đi ngang các nhà máy, cơ sở sản xuất cà phê mà nói rằng cách 3km vẫn thấy mùi thơm, thì đó không phải là cà phê mà là hóa chất”, ông Thông thẳng thắn nói.
"Đây là sự cạnh tranh không công bằng với chúng tôi nhưng công ty vẫn kiên định với việc sản xuất cà phê nguyên chất. Thực tế, nếu chỉ để kiếm tiền thì chúng tôi làm xuất khẩu rất dễ dàng. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng ngày này sẽ đến, cuộc chiến chống hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ đến lúc quyết liệt, để chúng tôi và những doanh nghiệp sản xuất hàng thật, hàng nguyên chất yên tâm hoạt động, phục vụ cho người dân trong nước", CEO Phúc Sinh Group chia sẻ.
Thực hiện quyết tâm mang cà phê sạch, nguyên chất cho người Việt, ông Thông cho biết, năm 2017, Phúc Sinh đã ra mắt sản phẩm K Coffee và cam kết 3 không: Không hương liệu, không hoá chất, không bắp hay đậu nành.
"Tôi dám chắc trên thị trường, chưa có đơn vị nào dám cam kết trên bao bì như vậy. Và đến nay, tất cả sản phẩm của chúng tôi từ cà phê, hạt tiêu cho tới nước sốt đều được truy xuất nguồn gốc đến tận vùng nguyên liệu. Đó là cam kết tối thiểu với người tiêu dùng”, ông Thông khẳng định.
Nông dân Sơn La thu hoạch cà phê trên những diện tích đã được cấp chứng nhận UTZ.
Mỗi năm, Nhà máy cà phê Phúc Sinh Sơn La (thuộc Phúc Sinh Group) thu mua khoảng 11.000 - 12.000 tấn cà phê tươi của nông dân. Ảnh: Tuệ Linh
Cũng là một trong những “nạn nhân” đang lâm cảnh điêu đứng vì hàng giả, hàng nhái, ông Huỳnh Đức Trọng, Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa - Chi nhánh TP.HCM, kể: Sản phẩm công ty khi ra thị trường thời gian đầu không có hàng giả nhưng khi "miếng bánh ăn được" thì bắt đầu xuất hiện hàng nhái, giả đủ kiểu.
Công ty phải chật vật tốn kém rất nhiều cho chi phí kiện tụng bởi nơi làm hàng nhái cứ bị kiện nhãn này, thì họ lấy nhãn khác nhái tiếp. Hiện trên thị trường có tới hơn 100 nhãn yến sào Khánh Hòa. Có người bị lừa mua hàng nhái, giả nhưng cũng có không ít trường hợp chủ động mua hàng nhái giả.
Câu chuyện của ông Trọng khiến những người tham dự tọa đàm không khỏi bất ngờ khi biết rằng, với mặt hàng yến sào giả, người mua không ăn còn người ăn không mua.
"Vì họ mua yến sào giả, giá rẻ để đi tặng, còn bản thân dùng thì không mua sản phẩm đó. Khi chúng tôi khảo sát trong bệnh viện, người bệnh đã bệnh nhưng lại dùng phải sản phẩm giả. Đây là vấn đề rất tệ hại, cho thấy hàng gian, hàng nhái ảnh hưởng đến người tiêu dùng rất lớn", vị này bức xúc nói.
Cả làng này ở Nghệ An "thơm ngày thơm đêm" bởi trồng thành công rau gia vị gì?
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM thừa nhận, trong một chừng mực nào đó, chống hàng gian, hàng giả là cuộc chiến không cân sức. Bởi lực lượng thực thi pháp luật hiện còn quá mỏng, không thể "bao sân" kiểm soát được hết.
“Ví dụ, toàn bộ lực lượng thanh tra thuộc cơ quan quản lý thực phẩm cả địa bàn rộng như Bình Dương mà chỉ có 12 người, thực tế chỉ có 9 người. Trong khi cơ quan thực thi pháp luật vẫn còn yếu thì về phía người tiêu dùng lại có tâm lý thích rẻ, cứ thấy rẻ là mua. Mặt khác, quy định pháp luật vẫn chưa mạnh. Ở các nước khi xử phạt một vụ hàng giả thì doanh nghiệp phải đền bù bằng tài sản rất lớn, còn ở Việt Nam, nếu bị phát hiện xử phạt thì bỏ hàng, lập doanh nghiệp mới và lại tiếp tục làm bậy”, bà Lan cho hay.
Để góp phần ngăn chặn triệt để hàng giả, hàng kém chất lượng, bà Võ Thị Bích Thủy, Quản lý kinh doanh Hệ thống bán lẻ Saigon Co.op, cho biết ngoài việc doanh nghiệp làm "chốt chặn", giám sát hàng hóa đầu vào thì cũng cần phối hợp với các cơ quan, báo đài... để tuyên truyền đến người tiêu dùng, nhà sản xuất nhiều hơn.
“Chúng ta xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn. Muốn vậy, chúng ta nên tuyên truyền, giới thiệu và ủng hộ những đơn vị làm tốt để những cái tốt lấn át cái bẩn, kém chất lượng”, bà Thuỷ hiến kế.
Mua cà phê nguyên chất dễ dàng tại hệ thống cửa hàng K COFFEE: https://kphucsinh.vn/he-thong-showroom
Xem thêm:
K Coffee và hành trình “giải bài toán” nghịch lý cho người tiêu dùng Việt Nam
Giá cà phê tại nhà máy 235.000 đồng/kg, tại sao thị trường chỉ 130.000 đồng?
Chủ tịch Phúc Sinh Group: 'Kinh doanh là phải làm thật và làm tử tế'