Tập đoàn Phúc Sinh nhận tài trợ hơn nửa triệu euro để phát triển bền vững
Ông Albert Bokkestijn, Quản lý Dự án SNV-DFCD và ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group công bố nhận tài trợ không hoàn lại từ DFCD - Ảnh: VGP/Minh Thi
DFCD là sáng kiến của Chính phủ Hà Lan với ngân sách 160 triệu euro nhằm tăng khả năng chống chịu của các cộng đồng và hệ sinh thái dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Các lĩnh vực chính mà DFCD tập trung là nước sạch, vệ sinh môi trường, lâm nghiệp và nông nghiệp bền vững.
Quỹ DFCD được quản lý bởi Ngân hàng Phát triển Hà Lan (FMO), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Hà Lan (WWF-Hà Lan) và Quỹ Quản lý khí hậu (CFM).
Đây là khoản tài trợ lớn nhất với tỉ lệ cao nhất từ trước đến nay mà tổ chức này dành cho một công ty tại Việt Nam.
Khoản tài trợ này sẽ giúp Phúc Sinh tiếp tục mở rộng các dự án phát triển bền vững, bao gồm các hoạt động chống phá rừng (non deforestation) và những sáng kiến rộng hơn liên quan đến ESG, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt ở các nước tiên tiến và khó tính như châu Âu.
23 năm hình thành và phát triển, Phúc Sinh đã luôn đặt mục tiêu kinh doanh trên nền tảng phát triển bền vững. Các sáng kiến về ESG mà công ty triển khai đã được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các Tổ chức phi chính phủ ghi nhận. Việc DFCD lựa chọn Phúc Sinh là đối tác tài trợ cho thấy sự công nhận đối với những thành tựu mà công ty đã đạt được trong việc bảo vệ môi trường và đóng góp cho xã hội.
Số tiền tài trợ từ DFCD sẽ được Phúc Sinh sử dụng cho nhiều hoạt động liên quan đến mở rộng phát triển bền vững.
Cụ thể, Phúc Sinh sẽ mở rộng số lượng hộ dân tham gia vào quy trình sản xuất các sản phẩm đạt chứng nhận phát triển bền vững, ví dụ như chứng nhận RA (Rainforest Alliance), một tiêu chuẩn quốc tế giúp bảo vệ rừng và môi trường.
Tập đoàn sẽ đầu tư vào các chương trình đào tạo mở rộng cho nông dân và cán bộ, nhân viên của Phúc Sinh, giúp họ hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất bền vững, cải thiện kỹ năng và nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn ESG cũng như bảo vệ môi trường.
Xây dựng và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo sự minh bạch và tính toàn vẹn trong chuỗi cung ứng, giúp các sản phẩm có thể được truy xuất từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn tăng thêm niềm tin của đối tác và khách hàng vào sản phẩm của Phúc Sinh trên thị trường quốc tế.
Thực hiện chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường và các công ty thu mua như không phá rừng, phát thải thấp, duy trì dòng chảy thương mại nông sản bền vững, đảm bảo sinh kế cho người nông dân.
(Theo Minh Thi - Báo Điện tử Chính Phủ)